Thác Bảo Đại là một trong những ngọn thác lớn thuộc khu vực cao Nguyên Lâm Viên với diện tích mặt hồ lên đến 20ha, là điểm tham quan tự nhiên với cảnh quan thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp nhưng đang dần bị lãng quên.
Trong bài viết này, khachsandalat.net sẽ giới thiệu đến quý khách đường đi Thác Bảo Đại, những lưu ý khi tham quan thác Bảo Đại để bạn có thể tự tin đến nơi đây khám phá nhé.
Giới thiệu Thác Bảo Đại
Du khách đã đến đây một lần thì chắc chắn sẽ có những cảm giác quyến luyến, ấn tượng sâu sắc về một ngọn thác đẹp huyền bí, mơ màng mà hoang dã giữa núi rừng hùng vĩ. Nơi đây hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn, một tiềm năng du lịch đầy triển vọng.
Địa chỉ Thác Bảo Đại
Thác Bảo Đại tọa lạc tại xã Tà In huyện Đức Trọng
Hướng dẫn đường đi đến Thác Bảo Đại
Để đến thác, từ trung tâm Đà Lạt cụ thể là Chợ –> đường 3/4 –> Đèo Prenn –> thị trấn Đức Trọng, từ Đức Trọng bạn đi khoảng 15km sẽ thấy ngã ba Tà Hine (quốc lộ 20, cách TP Đà Lạt khoảng 40 km), rẽ qua tuyến đường thủy điện Đại Ninh đi về hướng Phan Thiết khoảng 29 km, tiếp tục rẽ trái 3 km sẽ tới.
Giá vé Thác Bảo Đại
Thác Bảo Đại được người dân địa phương gọi với cái tên thân thuộc là thác Jraiblian (thác Trai B’Liang ) nằm ẩn mình trong một khu rừng thanh vắng, đổ từ trên độ cao hơn 60m xuống tung bọt trắng xóa cả vùng, tuy đã đưa vào kinh doanh nhưng nơi đây chưa thu phí khách du lịch.
Những truyền thuyết về Thác Bảo Đại
Truyền thuyết 1
Người dân Chu Ru trong vùng vẫn còn lưu truyền truyền thuyết huyền thoại về sự xuất hiện của thác Trai B’Liang. Chuyện kể về một người hóa thành cá sấu sau khi ăn một quả trứng lạ. Khi cá sấu chết, lưỡi nó thè ra, nước tràn qua lưỡi tạo nên âm thanh hay hơn cả tiếng đàn, hay đến nỗi trứng gà trong tổ cũng lăn tới bờ suối để nghe.
Tất cả các loài, từ muôn thú đến cả người dân trong vùng đều bị mê hoặc bởi âm thanh kỳ lạ đó, bỏ cả công ăn việc làm, quên ăn quên ngủ, tụ tập để nghe, đến nỗi phải chết đói.
Vua Chàm liền sai 100 người buộc dây kéo cái lưỡi ra. Nhưng cái lưỡi cứ dài ra rồi lại co rút lại làm cho cả đoàn người lăn xuống vực sâu mà chết. Thương hại con người, “Giàng” liền sai một con chim đen xuống mách bảo: phải lấy da ông già làm dây mới kéo được.
Vua Chàm cho rao tìm người già tình nguyện chết để cứu dân làng. Vừa lúc đó có một cụ già chống gậy tới xem, biết chuyện, ông liền xin được chết.
Vua Chàm sai người mổ trâu bò làm tiệc thết đãi ông, sau khi ông chết, da ông được bện thành dây thừng. Dùng dây thừng ấy kéo lưỡi cá sấu, quả nhiên cái lưỡi bị gãy văng ra khắp nơi, dính cả vào cây lồ ô, cây tre bên cạnh.
Cũng vì vậy mà tre và lồ ô là những loại cây có khả năng phát ra âm thanh nên được sử dụng làm các loại nhạc cụ. Nhưng cái lưỡi vẫn còn ba phần lớn. Một biến thành thác Trai B’Liang, một văng tới vùng Tu Tra (thuộc huyện Đơn Dương bây giờ) và một phần ở Ma Bó thành suối.
Truyền thuyết 2
Nơi đây vốn là nơi sinh sống và làm việc của người đồng bào dân tộc Chu Ru, thác nước là một dòng nước lớn chia làm ba nhánh đổ thẳng xuống lòng suối sâu, những tia nước đuổi nhau, phóng nhanh như tên bắn, bụi nước bốc mù mịt cả một vùng thật là huyền ảo nên người dân nơi này gọi nó là Jraiblian có nghĩa là Thác Đá Cao.
Nơi này còn có tên gọi khác là Thác Hoang bởi vì nó nằm trong khu vực ít người lui tới trừ những ngày lễ, tết bà con dân tộc có thói quen rủ nhau đến đây để ngắm cảnh, trò chuyện. Trải dài dưới chân thác là một bãi đá rộng, có nhiều tảng đá lớn gợi nên sự tưởng tượng lý thú cho du khách.
Những bãi đá nơi đây còn được tương truyền với câu chuyện hết sức li kỳ: đó chính là xác của các loài cầm thú, chim muông và có cả con người bị chết hóa đá khi tụ tập ở đây để nghe âm thanh huyền diệu phát ra từ lưỡi con cá sấu.
Thác được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia tại QĐ số 06/2000/QĐ-BVHTT ngày 13/04/2000 của Bộ Văn Hóa Thông Tin.
Thác Bảo Đại có gì thu hút du khách?
Nơi Vua Bảo Đại yêu thích
Vào thời kỳ Đà Lạt là vùng đất Hoàng triều cương thổ (thập niên 1950), trong những chuyến đi săn,vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của Việt Nam) đã đặt chân đến dòng thác này, nên có người gọi đây là thác Bảo Đại.
Nơi có nhiều hang động
Thác Đá Cao cao không hề thua kém thác Pongour và vẻ đẹp không thua gì thác Gouga ngoài ra nơi này còn giữ được nét hoang sơ tựa như thác Voi. Quanh thác là những vách đá ngoằn ngoèo, tạo thành các khe tựa như hang động khá hấp dẫn cùng với hệ thực vật phong phú và đa dạng.
Điểm cắm trại dã ngoại thú vị
Thác Bảo Đại ngày nay là điểm đến thu hút những du khách yêu thiên nhiên và ưa khám phá, rất thích hợp cho việc tổ chức cắm trại, dã ngoại
Những lưu ý khi tham quan Thác Bảo Đại
Đường đi khá xa nên bạn cần phải chuẩn bị tâm lý thật kỹ, chạy xe cẩn thận vì trên đoạn đường quốc lộ rất đông xe tải, xe máy, xe khách.
Đổ đầy bình xăng trước khi xuất phát
Chuẩn bị tư trang, dụng cụ y tế mang theo đề phòng những sự việc xảy ra ngoài ý muốn
Mang giày cao, đế chống trơn vì nơi đây có rất nhiều rong rêu
Tuyệt đối không tắm thác
Giữ vệ sinh khuôn viên Thác
Chúc các bạn có một hành trình trải nghiệm Thác Bảo Đại thật vui vẻ và ý nghĩa, có gì không biết cứ để lại lời nhắn cho chúng tôi nhé.
Top những ngọn thác đẹp nhất Đà Lạt:
Hoa Dalat Travel